Kỹ thuật trồng Gừng trong bao
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 4373
Trồng gừng trong bao là mô hình sản xuất phù hợp với các hộ nông dân có ít diện tích đất sản xuất, trong điều kiện thâm canh tốt sẽ cho năng suất và mang lại lợi nhuận rất cao.

Gừng là loại cây ưa sáng vừa phải, có khả năng chịu rợp nên thường được bố trí trồng xen, ưa ẩm nhưng không chịu úng nước, trồng gừng trong bao ít sâu bệnh nhất là bệnh thối củ do cách ly mầm bệnh và chí thấp, năng suất cao.

Để trồng thành công, người trồng cần chọn được lựa giống tốt, trồng đúng quy trình và chăm sóc cây gừng trồng một cách khoa học.

Cách chọn và chuẩn bị giống

Hiện nay có rất nhiều giống gừng được trồng:  gừng trâu hoặc gừng dé, gừng lai, Gừng Tàu nhập nội....  Tuy nhiên, các giống được trồng phổ biến là: Gừng trâu, củ to, ít xơ, ít cay, thích hợp cho xuất khẩu;  Gừng dé được gây trồng phổ biến, cho củ nhỏ hơn, vị cay và nhiều xơ hơn, hiện nay đang được bán nhiều ở thị trường trong nước.

Trong việc chuẩn bị gừng giống, gừng được lấy ngay sau khi thu hoạch hoặc sau khi được bảo quản trong một thời gian ngắn, một kilogam gừng giống trồng được khoảng 20 bao( 150 kg/ sào trồng trên đất) và nên chọn gừng già có ít nhất 9 tháng tuổi trở lên để trồng.

Xử lý giồng và thời vụ trồng

Hom gừng giống được tồn trữ nơi thoáng mát, mật độ vừa phải. Trước khi ủ, hom được ngâm trong dung dịch thuốc trừ nấm bệnh CARBAN 50 SC, COPPER ZINC 85WP..., khoảng 30 phút, sau đó vớt ra để nơi khô ráo.

Sau khi xử lý mầm bệnh, để khoảng 5-7 ngày  thì tiến hành bẻ hom,  dùng dao bén để cắt hoặc dùng tay để bẻ hom, mỗi hom có ít nhất 3-4 mắt ( 2-5 cm), sau khi bẻ hom, chấm tro bếp ngay để hãm nhựa, để gừng khô mặt rồi mới đem ủ cho ra mầm.

Hom 4-6 tiếng cắt hoặc bẻ, ta tiến hành ủ hom. Nền ủ phải cao, thoát nước tốt trải trên nền ủ 01 lớp tro trấu dày 15-20 cm, tiếp theo lót bao và xếp gừng đều  cao 20 – 30cm, trên phủ bao ẩm, tưới nước đủ ẩm, không quá khô, không quá ướt. Nếu khô gừng sẽ khó nảy mầm, nếu ướt quá gừng dễ bị thối.

Cách khác là xếp gừng đều trên các khay, dưới lót bao, trên phủ bao ẩm. Sau 2-3 ngày dùng rơm rác mục sạch phủ kín, tưới ẩm và che kín để khoảng 1-2 tuần và sau 10-15 ngày các hom gừng nhú mắt, ta có thể đem trồng (hom già mọc chậm hơn hom bánh tẻ).

Thời gian sinh trưởng của gừng từ 8-10 tháng tùy từng loại giống và gừng trồng từ đầu xuân. Tuy nhiên, để thu hoạch gừng vào dịp tết nguyên đán nên trồng gừng vào tháng 4-5 và đến cuối năm khoảng từ tháng 10-11-12 hàng năm ta có thể thu hoạch gừng.

Chuẩn bị đất và vật liệu trồng

Đối với đất trồng, gừng là loại cây ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, rác hữu cơ, phân chuồng... Pha trộn đất trồng theo tỷ lệ đất đen 70% + phân chuồng, hữu cơ 30%.  

Vật liệu sử dụng để trồng, dùng những chiếc bao xi măng giặt sạch, bao có đường kính khoảng 40-50 cm, đục 6 lỗ nhỏ ở đáy bao để thoát nước, bẻ miệng bao xuống thấp để thuận tiện cho quá trình trồng gừng cũng như chăm sóc.

Cách trồng

Một bao trồng 2 miếng, đặt hom sâu 5-7 cm, mắt mầm hướng lên, dùng đất mịn phủ lên  rồi ấn chặt tay để hom tiếp xúc tốt với đất, sau đó có thể phủ lên trên một ít rơm mục rồi tưới nước vừa đủ ẩm.

Có thể xử lý thuốc trừ nấm bệnh hoặc trừ sâu sau khi trồng 3-5 ngày, khi trồng cần loại bỏ những hom gừng bị hư thối hoặc nhiễm nấm bệnh (tránh trường hợp nấm bệnh lây lan về sau) và mật độ trồng là 100m2 trồng được 150 bao, mỗi hàng xếp 2 bao để thuận lợi cho việc chăm sóc sau này.

Chăm sóc cây gừng sau trồng

Tưới nước: Giai đoạn đầu, 3 ngày/ lần, tưới vừa đủ ẩm bằng thùng tưới có gắn vòi sen. Giai đoạn sau, 7 ngày/ lần, tưới đẫm nước.

Cần cung cấp độ ẩm cho gừng bằng cách thường xuyên tưới nước vào khoảng sang chiều cho phù hợp tránh tình trạng làm ngập úng dẫn tới thối gừng.

Gừng khi nhảy con làm củ thường có xu hướng trồi lên, do đó sau khi trồng khoảng 1 tháng nên thêm đất phân hữu cơ hoai mục các loại chừng 2 – 3 cm vào gốc gừng và tiến hành nhổ sạch cỏ dại, kết hợp với vun gốc.

Tiến hành bòn phân cho gừng theo từng thời điểm như sau:

Phân bón sử dụng cho một hecta (1ha) trồng gừng cần khoảng 20 tấn tro trấu mục, rơm mục, xác lá cây mục ta ủ với chế phẩm BIMA có chứa nấm Trichoderma; 1 tấn vôi bột; 110N – 30 P2O5 – 100K2O được chia làm 5 lần bón và bạn bón như thế này:

Bón lót: toàn bộ vôi và 1/5 lượng phân bón.

Bón thúc: bón 4 đợt, mỗi đợt 1/5 lượng phân tiếp theo.

Đợt 1 vào 1 tháng sau khi trồng.

Bón đợt 2 vào 2 tháng sau khi trồng.

Bón đợt 3 vào 3 tháng sau khi trồng.

Bón đợt 4 vào 4 tháng sau khi trồng.

Ngoài các thời điểm bón phân trên, gừng cũng có thể bị vàng do thiếu phân đạm, thì có thể tiến hành phun phân bón lá; có thể kết hợp với Ridomyl, Basudin 10H khi cần.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu đục thân:  thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, đục vào bên trong ăn phần non, nếu phát triển mạnh sẽ làm giảm năng suất gừng trồng. Đối với loại sâu này dùng thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn như Basudin, Regent,... chú ý nên phun khi bướm sâu đục thân xuất hiện thì phòng trừ đạt hiệu quả cao.

Bệnh cháy lá: Sử dụng CarbenZim,Bavistin …

Bệnh héo vàng thối rũ: đây là bệnh do vi khuẩn truyền nhiễm, do đó rất khó trị, chủ yếu là phun ngừa sau mỗi đợt mưa kéo dài nhiều ngày hoặc định kỳ 10 – 15 ngày phun 1 lần, các loại thuốc trị nấm gốc đồng COPPER ZINC, CARBAN 50SC... Tuy nhiên, ưu điểm gừng trồng trong bọc ít bị lây lan bệnh do bị cách ly từng bọc, khi thấy có bọc bị nhiễm, chúng ta lấy ra hủy bỏ bọc bị nhiễm bệnh đi.  

Bệnh thối củ: Đầu tiên vết bệnh xuất hiện ở bẹ lá ở gốc cây gần mặt đất, là những đốm màu nâu xám, rộng khoảng 3-5 cm có hình dạng nhất định, sau đó lan rộng ra, xung quanh có viền nâu đen, lá bị bệnh có xu hướng lan xuống phía gốc làm thối một phần củ, vết thối xơ hơi xốp, bệnh nặng có thể làm chết cây và thối củ hoàn toàn.

Vệ sinh đồng ruông, thu dọn toàn tàn dư vụ trước đưa ra khỏi vườn, xử lý đất trước khi trồng, khi trồng lên luống cao để thoát nước, bón phân hữu cơ hoai mục, trồng mật độ vừa phải, bón phân đạm, lân, kali cân đối, khi bệnh xuất hiện phun thuốc Validacin, Anvin, Monceren, cabenzim.

Đối với gừng giống, khi tồn trữ, cần phun một đợt thuốc trừ sâu bệnh trước khi thu hoạch để ngăn ngừa nguồn sâu bệnh phát sinh.

Thu hoạch

Gừng tươi sau khi trồng 5-6 tháng, đạt 3kg/bao. Gừng giống sau khi trồng 8-9 tháng, đạt 5kg/bao.

Sau khi trồng 8- 9 tháng, tiến hành thu hoạch củ gừng. Trong giai đoạn này lá cây gừng đã bắt đầu chuyển sang màu vàng, cong lại, một số lá bắt đầu khô héo./.

Tổng hợp đăng - Đoàn Thành Lừng

Đánh giá - Nhận xét

1
1 Nhận xét
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BÌNH DƯƠNG
image banner
image banner