Nhãn là cây á nhiệt đới và nhiệt đới, là loại cây ăn trái được phát triển mạnh trong những năm gần đây do hiệu quả kinh tế cao.
Nhãn chứa nhiều dinh dưỡng, có thể ăn tươi, sấu khô hay đóng hộp. Cây nhãn có quả mầu vàng sáng, cùi dầy, giòn, nhiều nước, thơm và có mầu trắng trong, vỏ mỏng.
Trung bình 105 quả/kg, tỷ lệ phần ăn được 67,0%, thời gian thu hoạch kéo dài từ 25/8 đến 20/9, đây là giống có thời gian thu hoạch dài và muộn nhất trong tất cả các giống nhãn chín muộn tuyển chọn của Viện Nghiên cứu Rau quả.
Cây nhãn là cây ưa ánh sáng mạnh, thường sống ở những nơi có nhiệt độ cao ( 20 – 350C). Nhãn là cây chịu hạn, thích ẩm, sợ đọng nước. Cây nhãn không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau.
Để mang lại thàng công, người trồng cần nằm một số kỹ thuật cơ bản như chọn giống, trồng và chăm sóc cây nhãn.
Cách nhân giống và chọn cây giống để trồng
Hiện nay giống Nhãn Muộn được nhân giống theo phương pháp ghép mắt giúp tạo ra cây giống với đầy đủ tính trạng của cây đầu dòng cho năng suất cao, chất lượng ổn định.
Khi chọn giống, cần chọn những cây giống cao trên 60cm và khỏe mạnh không sâu bệnh.
Thời vụ và mật độ trồng
Hầu như cây nhãn đều có thể trồng quanh năm, nhưng cần chú ý nếu trồng vào mùa mưa thì phải thoát nước cho cây. Vì nếu mưa nhiều cây bị ngập nước và nghẹt rễ.
Cây nhãn muộn được trồng theo hàng và cách nhau giữa các hàng là 6m, khoảng cách giữa 2 cây nhãn là từ 5 – 6m và theo mật độ này thì có thể trồng 300 – 350 cây/ha.
Chuẩn bị đất và trồng cây
Đất trồng nhãn muộn cần loại đất giàu dinh dưỡng, có thể là loại đất thịt cát pha và đất phù sa màu mỡ. Trước khi trồng bạn nên dọn sạch cỏ dại, lên luống cao 50cm và đào hố với kích thước tối thiểu 50x50x50cm và mỗi hố cách nhau khoảng 3m trở lên để giúp cây nhãn muộn miền sau này phát triển tốt nhất.
Chú ý trước khi trồng bạn cần bón lót cho đất một lượng phân chuồng hoai mục và super lân cùng với vôi bột.
Trước khi trồng một tháng bạn tiến hành bón lót cho hố trồng khoảng 20kg phân chuồng hoai mục, 01kg phân Super Lân + 01kg vôi bột khử trùng để giúp khử sạch mầm bệnh bên dưới đất.
Sau khi bạn đã chuẩn bị xong đất trồng và cây con giống bạn tiến hành trồng vào hố.
Tốt nhất nên chọn điều kiện thời tiết thuận lợi như trời râm mát, đất ẩm để trồng. Khi trồng dung một con dao nhỏ và sắc để rạch bỏ túi của bầu, lưu ý không được làm vỡ bầu đất, không được để phần rễ tiếp xúc trực tiếp với phần phân bên dưới. Đào một hố nhỏ ở trung tâm hố có kích thước rộng bằng bầu cây giống. Nhẹ nhàng đặt cây xuống theo hướng thẳng và lấp đất lại sao cho chạm vào phần cổ rễ của cây. Có thể dùng cọc để cố định cây con ban đầu giúp chúng không bị đổ khi có mưa gió.
Khi mới trồng cây con giống nhãn muộn xong bạn tiến hành tưới nước ngay, nếu như trời khô hạn nắng bạn nên tưới 01 lần/ngày vào mùa mưa có thể ngưng tưới nước và chú ý xử lý thoát nước cho đất.
Chăm sóc cây sau khi trồng
Cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh... để hạn chế cỏ dại, làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ, một năm xới gốc 2-3 lần.
Ngoài ra cần cắt tỉa cho cây
Đợt 1: Sau khi thu hoạch tiến hành cắt bỏ toàn bộ những cành trong tán, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành khô, cành tăm, cành sát mặt đất, tạo điều kiện cho cây thông thoáng để hạn chế sâu bệnh và tiêu hao dinh dưỡng.
Đợt 2: Khi lộc thu dài 5-7cm, tiến hành tỉa bỏ bớt lộc trên những cành quá nhiều lộc. Mỗi cành giữ lại 2-3 lộc to, khỏe để làm cành mẹ cho vụ sau.
Đợt 3: Khi cây ra hoa (đầu tháng 3), tỉa bỏ những chùm hoa bị bệnh. Đối với những cành cây có nhiều hoa cần tỉa bỏ những chùm hoa nhỏ (có chiều dài < 10cm) và tỉa bỏ 1-3 nhánh hoa ở các đốt phía dưới (chỗ tiếp giáp với ngọn cành mẹ) đối với những chùm hoa quá to (> 20cm) khi chùm hoa dài 15-20cm, nụ hoa chưa hé nở, đồng thời cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành khô và cành xuân quá yếu.
Đợt 4: Cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, cắt bỏ những cành không đậu quả. Đối với những cây có nhiều quả sẽ cắt bỏ những cành có tỷ lệ đậu quả thấp (<10quả/cành) và những cành hè mọc quá dày.
Bón phân cho cây được thực hiện
Cây nhãn cần được bón phân đầy đủ và với tỷ lệ phù hợp, tỷ lệ các loại phân NPK sử dụng cho hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là 1:0,5:1 hoặc 1:1:2.
Trong ba năm đầu cần bón với lượng 0,2 - 0,4kg ure, 0,5 - 0,7kg super lân và 0,3 - 0,5kg kali clorua/năm. Với vườn nhãn nhiều năm tuổi, cứ cho 100kg quả tươi/năm thì có thể bón với lượng phân 2kg N + 1kg P2O5 + 2kg K2O (tương đương với 4,2kg Urê + 5,5kg Supe lân + 4kg Cloruakali).
Có thể phụ thuộc vào độ tuổi của cây mà bón nhiều lần hay ít lần, tốt nhất là chia làm 4 lần bón trong một năm.
Lần 1: Bón sau khi thu hoạch quả, vào tháng 8 đến tháng 9. Lần bón này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành mùa Thu và coi đây là lần bón cơ bản trong năm. Ở lần này, bón 80% lượng phân lân, 30% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali.
Lần 2: Vào đầu tháng 2, khi cây phân hóa mầm hoa. Lần bón này nhằm thúc hoa và nuôi lộc Xuân. Sử dụng 30% lượng phân đạm, 20% lượng phân lân và 30% phân kali.
Lần 3: Cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm làm cho chùm hoa phát triển tốt, tăng khả năng đậu quả và thúc cành Hè phát triển. Lần bón này chỉ sử dụng 10-20% lượng đạm.
Lần 4: Bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm bổ sung dinh dưỡng cho quả phát triển. Ở lần bón này, sử dụng toàn bộ lượng phân đạm và phân kali còn lại.
Nếu không có điều kiện có thể chia làm hai lần để bón trong năm. Lần 1 bón toàn bộ phân super lân, 70% đạm và 60% kali. Lần 2 bón nốt lượng phân còn lại.
Bón phân, khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Nếu trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.
Phòng trừ sâu bệnh cho cây
Bọ xít nhãn: Chúng xuất hiện từ tháng 2 - 3 và gây hại mạnh nhất vào tháng 4 - 6. Sử dụng các loại thuốc để phòng trừ: Sherpa 0,2 - 0,3% hoặc Trebon 0,15 - 0,2% và phun vào giai đoạn bọ xít non là có hiệu quả nhất. Ngoài ra có thể rung cây vào ban đêm để bắt bọ xít trưởng thành qua đông vào tháng 12 và tháng 1.
Rệp hại hoa và qủa non: Rệp thường xuất hiện khi giò hoa vươn dài đến khi quả non ổn định, ban đầu rệp thường xuất hiện rải rác trên một vài cành hoặc một vài cây trong vườn sau đó mới lan rộng ra. Mật độ rệp có thể lên rất cao (vài trăm con/cành) gây cháy đọt, thui hoa quả. Phòng trừ: Sử dụng thuốc hoá học như: Sherpa 0,2 - 0,3%, Trebon 0,15 - 0,2% phun 2 lần. Lần thứ nhất khi rệp xuất hiện, lần 2 sau phun lần đầu 5 - 7 ngày. + Câu cấu ăn lá: Hại lá, cành, quả non, Biện pháp phòng trừ: Phun Supracide 40EC nồng độ 0,25%
Bệnh tổ rồng: Xuất hiện ở chồi non, chùm hoa làm cho lá non, hoa xoăn lại. Phòng trừ bằng cách cắt bỏ chùm hoa, cành lá bị bệnh gom lại và đem đốt.
Bệnh sương mai: Bệnh xuất hiện và gây hại tập trung vào thời kỳ ra hoa và quả non làm chùm hoa biến màu, thối quả và rụng. Phòng trừ: Sử dụng thuốc hoá học để phun phòng: Rhidomil MZ 0,2%, Boocdo 1%, Oxyclorua đồng 0,2 - 0,3%. Phun lần 1 khi cây ra giò và phun lần.
Bệnh xém mép lá: Đầu và mép phiến lá có mầu xám trắng và khô, sau đó sẽ bị rách. Có thể sử dụng các loại thuốc: Zineb 0,4%, VibenC 0,3%, Score 0,05%, Daconil phun khi bệnh mới xuất hiện, phun lại lần hai cách lần đầu 1 - 2 tuần.
Thu hoạch
Khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, hơi xù xì hơi dày chuyển sang mọng và nhẵn, bóc quả xem thấy hạt có màu nâu đen thì có thể thu hoạch. Nên thu hoạch quả vào ngày trời tạnh ráo, vào buổi sáng và buổi chiều, tránh thu hoạch vào đúng giữa trưa khi trời quá nóng./.
Tổng hợp đăng - Đoàn Thành Lừng