Với mục đích hỗ trợ cho người dân nắm bắt được thông tin và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Sưa đỏ, Chi cục Kiểm lâm đã tổng hợp và biên soạn kỹ thuật trồng cây Sưa đỏ (Dalbergia tonkinensis Prain)
Cây Sưa đỏ (Dalbergia tonkinensis Prain) còn được gọi là Trắc thối, cây phân bố ở Việt Nam, Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác trong các rừng thứ sinh thuộc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình... Cây có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh và sự khắc nghiệt của tự nhiên: mưa, nắng, gió, bão… có khả năng tái sinh hạt tốt. Đây là loài cây mang lại giá trị kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc nên thời gian qua người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã lựa chọn làm giống cây để trồng rừng sản xuất gỗ. Với mục đích hỗ trợ cho người dân nắm bắt được thông tin và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Sưa đỏ, Chi cục Kiểm lâm đã tổng hợp và biên soạn kỹ thuật trồng cây Sưa đỏ (Dalbergia tonkinensis Prain).
I. Giới thiệu về cây Sưa đỏ (Dalbergia tonkinensis Prain)
Cây ưa sáng, mọc nhanh, ưa đất tốt, sâu, dày, độ dốc thấp, tái sinh hạt tốt. gỗ bền, đẹp dùng trong xây dựng, đóng đồ dùng gia đình, mỹ nghệ. Việt Nam chủ yếu là sưa trắng và sưa đỏ, để nhận biết giống cây sưa đỏ:
Nhận biết sự khác biệt qua lá cây
Lá cây là bộ phận đầu tiên và dễ nhận biết nhất, lá Cây Sưa Trắng mọc đối xứng nhau còn lá Cây Sưa Đỏ lại mọc so le nhau. Lá Sưa Đỏ dài 15-30cm, cuống dài 8-20cm, không có lông, có từ 7-17 lá chét hình bầu dục hoặc hình trái xoan, chót nhọn, ngắn, có 9-10 cặp gân nhỏ cuống lá ngắn 3mm, dài 6,5-9cm, rộng 4-5 cm, có lá kèm nhỏ, sớm rụng.
Nhận biết sự khác biệt qua hoa
Hoa Cây Sưa Đỏ sẽ mọc thành chùm, cánh nhỏ, màu vàng nhạt còn Hoa Sưa Trắng mọc thành chùm, cánh lớn, màu trắng. Như vậy, bà con khi nhìn 2 chùm hoa của hai loại cây này sẽ dễ dàng nhận biết được sự khác biệt qua màu sắc và kích thước của cánh hoa.
Hình ảnh: Phân biệt sưa trắng, sưa đỏ bằng nhận biết qua lá cây (nguồn: caysua.org)
Nhận biết sự khác biệt qua thân và quả cây
Bà con có thể thấy khi trưởng thành thân Cây Sưa Đỏ mốc, xù xì, cây già vỏ sẽ nứt dọc. Thân Cây Sưa Trắng màu xanh, nhẵn, không xù xì.
Ngoài ra, còn có 1 cách nữa để phân biệt đó là bà con nhận biết qua quả cây. Quả của Cây Sưa Đỏ mọc thành chùm còn quả Cây Sưa Trắng mọc đơn, bà con hãy đốt hạt sưa. Hạt Sưa Đỏ khi đốt có mùi thối nồng nặc nên còn gọi là quả Thối (Trắc Thối), còn Hạt Sưa Trắng khi đốt không có mùi này.
Nhận biết sự khác biệt qua gỗ
Gỗ Sưa Đỏ có màu đỏ bã trầu, vân gỗ Sưa Đỏ nổi lên từng lớp đặc trưng rất đẹp. Thớ gỗ vừa mịn vừa nhỏ có màu hồng đỏ, thi thoảng xen vào đó là thớ gỗ màu đen.
Hiện nay trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất và cung cấp giống cây sưa đỏ uy tín như: Vườn ươm cây giống số 1, đường số 7, khu phố 3,Trảng Bom, Đồng Nai; Công ty cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Nam Bộ-Trung tâm giống lâm nghiệp La Ngà (Đồng Nai); Trung tâm lâm nghiệp Biên Hòa…
II. Kỹ thuật trồng cây Sưa đỏ:
1. Tiêu chuẩn chọn cây con:
- Cây con đem trồng phải từ 6-12 tháng tuổi.
- Đường kính cổ rễ từ 4-5 mm, cao từ 25-50 cm là tốt nhất.
- Cây thân thẳng, khỏe mạnh, không sâu bệnh, không cụt ngọn, túi bầu còn nguyên vẹn…
Hình Ảnh: Cây giống Sưa đỏ 4-6 tháng tuổi (ảnh: Nguyễn Huyền Trang)
2. Chọn đất: Cây Sưa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất đồi có độ dốc trung bình, đất đỏ, đất thịt nhẹ, đất pha cát, đất đồi đá sỏi nhưng phải có đủ độ ẩm, không trũng nước, không khô hạn (tức là đất phải có độ ẩm nhưng không được ngập úng).
3. Thời vụ trồng: Từ tháng 6 – tháng 9 (vào mùa mưa để tận dụng nguồn nước tưới).
4. Làm đất: Phải tiến hành cày 2 lần bằng cày chảo 3 để san ủi thực bì, cày dọn đất. Sau đó, sử dụng cày chảo 7 để cày cho đất tơi, thoáng, xốp. Trồng rải rác hay tập trung đều phải đào hố. Hố cần phải được đào và trộn đều phân bón lót trước 15 ngày. Theo kinh nghiệm kích thước hố 50x50x50cm (Ngang: 50 cm, Dài: 50 cm và độ sâu: 50 cm) là phù hợp.
* Cách bón phân: mỗi hố 1-3kg phân chuồng hoai mục và 100-200 gram NPK (thường sử dụng 5:10:3), phân chuồng ủ vi sinh là tốt nhất.
5. Mật độ và khoảng cách trồng:
- Trồng tập trung (trồng thành rừng): Cây cách cây 3m và hàng cách hàng 3m, trung bình 1 ha có thể trồng được 1.100 cây. Nếu trồng cây cách cây 2m, hàng cách hàng 3m, thì 1 ha có thể trồng 1.660 cây.
- Trồng hàng rào hoặc trồng rải rác, trồng làm cảnh: Nên để cây cách cây 1.5 – 2 mét.
Hiện nay không còn nhiều quỹ đất trống nên các hộ dân có thể tận dụng trồng xen với các loại cây trồng chính như cây ca cao, cây cà phê, cây dược liệu, cây nông nghiệp ngắn khác ngày hoặc trồng làm trụ tiêu và trồng theo bờ ranh, bờ thửa. Trồng làm cảnh trong vườn nhà hoặc trồng nơi có thể chủ động được nước tưới thì có thể trồng quanh năm, không cần theo mùa vụ..
6. Trồng cây: Trước khi trồng cần phải loại bỏ vỏ nilong túi bầu bằng cách nhẹ nhàng dùng tay hoặc dụng cụ như dao, kéo…xé bao nilong bầu đất, tránh làm vỡ bầu đất, làm đứt rễ cây. Sau đó đặt cây xuống chính giữa hố đào sẵn đã được bón phân, một tay giữ thân cây thẳng, một tay lấp đất. Vun đất đều xung quanh cây và trên mặt bầu, dùng hai tay nén chặt bầu cây, tạo cho cây đứng thẳng (cần phải cắm cọc và cột cây vào cọc). Nếu trời không mưa, mỗi ngày tưới một gáo nước nhỏ cho bầu cây liên kết với đất bên ngoài, giúp rễ cây dể dàng bám vào đất bên ngoài nhận chất dinh dưỡng nuôi cây.
7. Tưới nước: Sau khi trồng tưới ẩm đều trong 30 ngày cho cây bén rễ hồi xanh. Tưới nước đều ẩm trong 1 – 2 tháng đầu. Sau đó giảm lượng tưới nước, nhưng nếu gặp thời tiết khắc nghiệt, thấy cây có hiện tượng thiếu nước phải kịp thời bổ sung tránh để cây bị hư hại, giảm sức sống.
8. Bón phân: Sau khi trồng 1 tháng, cây phát triển bình thường có thể bón các loại phân hóa học để kích thích sự phát triển của cây. Lưu ý chỉ nên bón 1 lượng rất nhỏ NPK 12:5:10 (Khoảng 1 thìa cà phê) cách gốc từ 5 cm.
Trong 3 năm đầu, cần thực hiện chăm sóc cây như làm cỏ xung quanh gốc, phát dọn thực bì đường ranh cản lửa, vun xới gốc, không để cỏ dại phát triển, cạnh tranh chất dinh dưỡng của cây và để cây có không gian sinh trưởng, quang hợp. Mỗi năm nên tiến hành làm cỏ bón phân 2 – 3 lần. Bón mỗi cây từ 100g-200g NPK (12:5:10).
Những năm sau, tiến hành làm cỏ 1-2 lần/năm, bón phân mỗi cây tăng 100-200g NPK/mỗi tuổi. Nên kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc và bón phân để tiết kiệm chi phí nhân công.
Lưu ý: Nên tỉa cành vào cuối mùa khô hàng năm để tạo cho thân cây thẳng. Sau trồng 2 - 3 năm tỉa bỏ cành cong, xấu, cành võng. Sau trồng 5 - 6 năm tỉa bỏ cành giao nhau. Từ khi cây phát triển bình thường có thể bón phân hoặc không cũng được vì Sưa đỏ là cây họ đậu nên bộ rễ của nó có thể tự tổng hợp Nitơ để giúp cây phát triển và tăng trưởng.
9. Phòng trừ sâu, bệnh hại: Ít thấy loại sâu ăn lá Sưa. Sâu, bọ, bệnh hại cây sưa còn tùy theo khu vực, có nơi có loài này, có nơi có loài khác…Chủ yếu là bọ cánh cứng ăn lá làm cây sinh trưởng và phát triển kém.
- Phòng bệnh: Vệ sinh sạch cỏ vườn cây sưa, khi dọn cỏ vườn nên gom thành đống để khô sau đó đốt đi để tiêu diệt bọ cánh cứng trưởng thành, bọ non và trứng.
- Vào đầu và cuối mùa mưa khi số lượng bọ cánh cứng trưởng thành nhiều, dùng các thuốc trừ sâu dạng hạt như Diaphos 10G, Gà nòi 4G, Sago-Super 3G… tiến hành rải quanh gốc cây sưa để trừ trứng và bọ cánh cứng quanh gốc cây.
Hình ảnh: Cây sưa được trồng làm cây xanh cảnh quang đường phố tại huyện Bắc Tân Uyên( Ảnh: Nguyễn Huyền Trang)
Để rừng Sưa đỏ đạt được nămg suất, chất lượng gỗ như ý, bà con phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc bón phân định kỳ./.
Tổng hợp: Nguyễn Huyền Trang