Tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2024
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 257
Tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2024 

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Dự báo trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%, sau đó giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới Tháng 6/2024 với xác suất khoảng từ 60 ÷ 65%. Các tháng đầu năm 2024 sẽ ít mưa, tổng lượng mưa từ Tháng 1 đến Tháng 3 thấp hơn so với trung bình nhiều năm, từ Tháng 4 đến Tháng 6 xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm. Nhiệt độ trung bình trong mùa khô năm 2024 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5÷1,50C. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm ngay từ Tháng 01/2024, có xu hướng gia tăng và mở rộng; trong Tháng 4 và Tháng 5/2024 có khả năng sẽ có những đợt nắng nóng diện rộng dài ngày, nhiệt độ cao nhất khả năng đạt ngưỡng 38÷39 độ C và có khả năng chấm dứt trong tháng 6/2024. Đỉnh triều cao nhất trên sông Sài Gòn tại trạm Thủ Dầu Một (gần Cảng Bà Lụa) từ Tháng 1÷3/2024 ở mức từ (1,6 ÷1,68) m, từ Tháng 4 ÷ 6/2024 ở mức từ (1,55 ÷ 1,65)m. Độ mặn vùng hạ lưu các sông Nam Bộ sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, có thể tăng cao vào các kỳ triều cường.

Để chủ động phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 29/12/2023   yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, nhiễm mặn và phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm 2024.

 Cụ thể như sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của dự án Ứng phó với hạn hán, khô hạn trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2690/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2018.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp phòng chống hạn, mặn, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các phương án phòng chống hạn, mặn, phòng cháy, chữa cháy rừng của các địa phương, đơn vị quản lý rừng; phương án phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với các đơn vị, địa phương nơi có rừng.

Kiểm tra công tác PCCCR tại rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng

b) Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn khi nguồn nước thiếu hụt, lưu ý sắp xếp thứ tự ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, nông nghiệp.  

c) Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam có kế hoạch xả nước qua tràn với lưu lượng và thời điểm phù hợp để đẩy mặn cho hạ du sông Sài Gòn, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ven sông.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tỉnh Bình Dương:

a) Chủ động lập kế hoạch, xây dựng phương án phòng, chống hạn, nhiễm mặn và điều tiết nước tưới cho từng vùng, từng công trình; tăng cường các biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt, sản xuất; tổ chức vận hành tưới tiết kiệm, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất; khuyến cáo người dân xuống giống và chọn cây trồng phù hợp.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, chống rò rỉ làm thất thoát nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô; tổ chức phát quang, vệ sinh vườn cây, chủ động phòng, chống cháy trong vườn nhà, vườn cây công nghiệp.

c) Tổ chức kiểm tra, xử lý ngay những sự cố hư hỏng các công trình thủy lợi; tập trung nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương do các đơn vị, địa phương quản lý; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; đặc biệt, có biện pháp giải quyết nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi cho nhân dân các vùng có khó khăn về nguồn nước.

d) Đối với các công trình trạm bơm: Có kế hoạch nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để nâng cao hiệu quả phục vụ, giảm chi phí bơm tưới; phối hợp chặt chẽ với Điện lực, theo dõi sát lịch cúp điện để có kế hoạch vận hành bơm tưới cho phù hợp, đảm bảo cung cấp nước tưới cho cây trồng.

đ) Đối với hệ thống đê bao: Quản lý, vận hành điều tiết các cống dưới đê bao hợp lý để vừa đảm bảo phòng, chống xâm nhập mặn, vừa đảm bảo nước tưới phục vụ cây trồng.

4. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch phương án cụ thể; bố trí phương tiện, thiết bị chữa cháy và các điều kiện vật chất cần thiết để phối hợp kịp thời với lực lượng tại chỗ nhằm tổ chức ứng cứu kịp thời khi có xảy ra các trường hợp có nguy cơ cháy, xảy ra cháy rừng lớn.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương, Báo Bình Dương và các cơ quan thông tin địa phương: Thường xuyên đưa tin phản ánh về công tác phòng, chống hạn, nhiễm mặn; phòng, chống cháy rừng, tình hình khắc phục hạn hán và thiếu nước sinh hoạt; thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân và các ngành, các cấp biết để chủ động trong việc phòng, chống hạn, nhiễm mặn; phòng, chống cháy rừng và có biện pháp ứng phó kịp thời./.

Lê Huỳnh Như – Phòng Kế hoạch - Tài chính

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BÌNH DƯƠNG
image banner
image banner