Cùng với sự phát triển của xã hội, nhận thức rõ ý nghĩa của
việc sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu
ngày càng cao của người tiêu dùng về thực phẩm nông sản an toàn. Nhiều bạn trẻ
đã mạnh dạn thử sức với lĩnh vực trồng trọt, với các mô hình sản xuất hiện đại như
ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp
xanh…, ứng dụng công nghệ 4.0, đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện
tử.
Việc
tham gia nông nghiệp không chỉ giúp tạo ra giá trị kinh tế mà còn đóng góp vào
sự phát triển của đất nước. Thanh niên chính là lực lượng tiên phong trong việc
đổi mới nông nghiệp Việt Nam, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả
và thân thiện với môi trường. Nắm bắt được giá trị cốt lõi của lực lượng trẻ, Sở
Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương đã ký kết Chương trình
phối hợp số 06/CTPH-SNN&PTNT-TĐBD ngày 19/8/2024 nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong
việc nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về tầm quan trọng của
sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong tiến trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước; góp phần thúc đẩy, hỗ trợ và tổ chức chuyển giao tiến bộ
khoa học kỹ thuật, công nghệ và sản xuất, kinh doanh cho thanh niên nông thôn,
góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất
hàng hóa có sức cạnh tranh cao và bền vững.
Trong
khuôn khổ các hoạt động đã ký kết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật đã trực
tiếp làm việc và trao đổi với các Huyện đoàn địa phương để thống nhất các nội
dung triển khai cho năm 2025. Đồng thời, qua khảo sát, nhận thấy các mô hình sản
xuất do thanh niên khởi nghiệp tại địa phương đang rất năng động, sáng tạo và nắm
bắt được xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Một số mô hình
thanh niên nổi bật như:
Mô
hình trồng nấm rơm – rau mầm theo hướng tuần hoàn: Chị Nguyễn Thị Bảo Hồng
(sinh năm 1992) tại huyện Phú Giáo đã khởi nghiệp với mô hình trên diện tích
hơn 100m², xây dựng 02 nhà nấm và đạt sản lượng khoảng 100 kg nấm mỗi vụ. Đây
là một trong 05 dự án khởi nghiệp được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương giới
thiệu tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam phát động. Mô hình này cũng được khảo sát, lựa chọn để hỗ trợ và nhân
rộng theo Kế hoạch thực hiện Chương trình Khuyến nông lĩnh vực Trồng trọt và Bảo
vệ thực vật năm 2025.
Mô
hình trồng ổi - HTX ổi Thanh Kiên: Anh Nguyễn Hoàng Trọng Hiếu (sinh năm 2000)
tại huyện Phú Giáo, với diện tích sản xuất khoảng 20ha. Anh là một trong 36
thanh niên được vinh danh với giải thưởng “Lương Định Của” lần thứ XIX năm 2024
do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Mô
hình trồng quýt đường: Chị Lâm Thị Mỹ Tiên (sinh năm 1998) tại huyện Bắc Tân
Uyên đã phát triển mô hình trồng quýt đường trên diện tích khoảng 30ha theo
tiêu chuẩn VietGAP. Với hành trình từ du học sinh đến người đam mê nông nghiệp,
chị đã truyền tải câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng và nhận thức sâu sắc về giá
trị của sản phẩm sạch. Không chỉ chú trọng vào chất lượng, chị còn ứng dụng
công nghệ để quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm quýt đường đến gần hơn với người
tiêu dùng và nhận được sự đón nhận tích cực.
Mô
hình sản xuất trà gạo lứt đậu đen xanh lòng An An – Hộ Kinh doanh Lê Thị Ngọc
Mai: Chị Ngọc Mai (sinh năm 1992) tại huyện Dầu Tiếng khởi nghiệp với Hộ Kinh
doanh Lê Thị Ngọc Mai. Chị sử dụng nguyên liệu từ chính người sản xuất địa
phương như đậu đen, lá dứa,… để tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đồng thời
kết nối và hỗ trợ các nông dân tại xã Định Hiệp.
Bên
cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật cũng đã khảo sát thêm nhiều mô
hình khác như mô hình trồng bưởi của ông Bùi Thế Duy (Phú Giáo) và mô hình trồng
quýt đường, quýt hồng lai vung của ông Lâm Thanh Thịnh (Bắc Tân Uyên). Các hoạt
động này nhằm khuyến khích, hướng dẫn đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất
theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm đến tay người
tiêu dùng một cách hiệu quả.
Với
tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, sáng tạo và dám nghĩ dám làm, cùng với sự đồng
hành, quyết liệt trong việc hỗ trợ thanh niên sản xuất của tỉnh Bình Dương, người
trẻ Bình Dương tự tin biến nông nghiệp thành lĩnh vực tiềm năng góp phần vào sự
phát triển kinh tế bền vững của đất nước./.
Một
số hình ảnh mô hình:
Tác giả: Nguyễn Ngọc Minh An