Mô hình nuôi chim cút sinh sản đã và đang được nhân rộng, giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống kinh tế và vươn lên làm giàu.
Trứng chim cút tuy có kích thước nhỏ hơn trứng gà và trứng vịt nhưng giá trị dinh dưỡng lại rất cao. Với thị trường tiêu thụ mạnh như hiện nay thì chăn nuôi chim cút đẻ trứng đang được nhiều hộ gia đình áp dụng khá nhiều vì đem lại thu nhập khá cao và ổn định.
Để đạt hiệu quả cao, người nuôi cần nắm một số kỹ thuật từ cách chọn giống, làm chuồng nuôi, chăm sóc và phòng bệnh như sau:
Chọn chim cút giống
Hiện nay có rất nhiều nơi cung cấp chim cút giống nên việc tìm nơi mua khá dễ dàng. Điều đầu tiên cần lưu ý khi muốn phát triển đàn chim là tránh tình trạng đồng huyết. Chim cút trống và mái cùng dòng phải được tách ra trước khi đưa vào đàn để ghép đôi sinh sản.
Ngoài ra, khi chọn chim cút giống thì chỉ nhận những cá thể mạnh khỏe, nhanh nhẹn, không dị tật, lanh lợi và chọn giống vào khoảng 25 – 30 ngày tuổi. Cách chọn chim cút trống và chim cút mái sẽ không giống nhau:
Chọn chim trống: Đối với chim cút thì con trống có kích thước nhỏ hơn con mái, cần chọn cá thể có lông mượt, da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, có trọng lượng khoảng 70 – 90g khi đủ tuổi sinh sản.
Chim mái: Chọn cút mái có cổ nhỏ, lông mượt, xương chậu rộng, hậu môn đỏ hồng, nở nang, trọng lượng >100g.
Chuồng nuôi chim cút
Chim cút là loài ưa khô ráo nên cần thiết kế chuồng trại tại khu vực thoáng mát, tránh ẩm ướt, không bị gió lùa và có mái che nắng mưa. Ngoài ra, có thể nuôi chim cút đẻ theo phương pháp quay trên nền, tuy nhiên cách này có nhiều nhược điểm và ít phổ biến.
Chuồng nuôi chim cút đẻ được chia thành 2 khu vực:
Lồng úm: Đây là khu vực để nuôi chim non, lồng úm có kích thước tùy thuộc vào diện tích trang trại. Tuy nhiên thường nằm ở mức trung bình khoảng 1.5x1x0.5m (dài x rộng x cao) và chân lồng cao 0.5m. Khung lồng làm bằng thép hoặc gỗ và vây bằng lưới thép ô vuông 1x1cm.
Lồng chim lớn: Thiết kế lồng theo kích thước khuyến nghị là 1x2x0.5 (dài x rộng x cao) để nuôi 20 – 25 chim cút mái. Loại lồng này có thể đặt trực tiếp lên nền nhà hoặc đặt trên khung gỗ với độ dốc khoảng 3 độ để trứng lăn ra khi chim đẻ, đáy lồng làm bằng lưới mắt nhỏ đủ để phân lọt qua và chim dễ di chuyển. Nóc lồng làm bằng vật liệu mềm vì chim cút hay nhảy nên dễ bị tổn thương phần đầu.
Có thể chồng các lồng lên nhau để tiết kiệm diện tích chăn nuôi, mỗi lồng cách nhau 1-2cm để đặt khay hứng phân.
Xung quanh lồng treo các máng ăn, máng uống và khay hứng trứng. Những dụng cụ này có thể làm bằng nhôm hoặc nhựa, kích thước dài 0,5-1m ,rộng 6-7cm;cao 5-7cm.
Chăm sóc chim cút đẻ
Thức ăn và nước uống cho chim cút phải được cung cấp cho chim ăn uống tự do cả ngày lẫn đêm.
Chim cút mái bắt đầu đẻ vào khoảng 60 ngày tuổi và đẻ liên tục cả năm. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các hộ nuôi lâu năm thì chỉ nên cho chim cút phối giống và đẻ trứng khi chim mái được ít nhất 3 tháng tuổi, phối sớm hơn có thể làm suy giảm nhanh chóng chất lượng đàn.
Chim cút khi bắt đầu đẻ có thể cho ra số lượng trứng khoảng 270 – 300 trứng/năm. mỗi ngày một quả trứng nặng 10-11gam, do đó chim cút cần rất nhiều dinh dưỡng để có thể đảm bảo đẻ đều, trứng to, đạt chất lượng tốt. Vì vậy, bà con cần chú ý cho chim ăn đầy đủ Vitamin, khoáng chất và hỗn hợp gồm: bột đậu xanh, bột cá, bột ngô, cám, bột sò, can xi… Thức ăn có thể trộn theo công thức 2.5 bắp – 1 lúa – 1 cám – 1 bột cá. Mỗi ngày cút trưởng thành ăn khoảng 20-25g thức ăn.
Lượng nước sạch cần đảm bảo cho chim ít nhất là 50-100 ml/con/ngày.Nước phải đảm bảo sạch, không lẫn phân, tạp chất độc hại, bà con có thể pha thêm các loại vitamin và chất điện giải vào nước cho chim uống để tăng cường sức đề kháng.
Phòng ngừa bệnh và vệ sinh chuồng trại
Chim cút là loài có sức đề kháng rất mạnh. Tuy nhiên việc
phòng ngừa bệnh cho đàn chim phải được thực hiện đầy đủ và đều đặn. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, giữ cho chuồng nuôi ấm nhưng thoáng. Hạn chế cho đàn tiếp xúc với cá thể chim lạ.
Các bệnh thường gặp ở chim cút là newcastle, ngộ độc thức ăn, sưng mắt, bại liệt, suy dinh dưỡng và biện pháp phòng ngừa:
Tiêm vắc xin ngừa bệnh theo định kỳ cho cả đàn khi còn nhỏ và tiêm nhắc lại trước khi vào đẻ để ngừa newcastle.
Đảm bảo thức ăn sạch, không bị ôi thiu nấm mốc nhất là trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ cao để tránh tình trạng ngộ độc thức ăn của chim.
Bổ sung vitamin nhóm A để phòng chứng sưng mắt.
Bổ sung can xi và phốt pho để ngăn ngừa tình trạng bại liệt.
Cung cấp khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho chim trong quá trình đẻ trứng để phòng tình trạng suy dinh dưỡng khiến chim giảm đẻ, trứng dị dạng.
Thực hiện tốt khâu vệ sinh sát trùng chuồng trại.
Nuôi chim cút sinh sản là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả rất cao. Chim cút rất dễ nuôi và có thể thích nghi với mọi điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Nuôi chim cút đẻ trứng có thể khai thác được song song nguồn thịt và trứng với giá trị thương phẩm tốt./.
Tổng hợp đăng - Đoàn Thành Lừng