Ngành Nông nghiệp Bình Dương đạt được những kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2023
Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu; bệnh Dịch tả heo Châu Phi được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát bệnh; giá các loại sản phẩm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động trong công tác quản lý điều hành nên nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.
Diện tích gieo trồng Vụ Đông xuân ước đạt 5.719,9ha, bằng 100,22% so với cùng kỳ; Diện tích gieo trồng Vụ Hè Thu ước đạt 3.977,3ha, bằng 100,42% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích lúa đạt 2.696 ha; ngô đạt 143,6 ha; cây lấy củ có chất bột đạt 2.334,4 ha; cây có hạt chứa dầu đạt 249,4ha; rau, đậu, hoa cây cảnh đạt 3.403 ha; cây hàng năm khác 870,7 ha.
Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 6.413,2 ha (Tăng 43,4 ha so với cùng kỳ) với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị khoảng 407,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh. Một số loại trái cây đặc sản của tỉnh đang vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn và giá cả tương đối ổn định.
Tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện công tác thiết lập, quản lý và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương được cấp mã số và hướng dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục BVTV đã cấp 07 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc cho 05 cơ sở. Lũy kế đã được cấp 24 mã vùng trồng/16 cơ sở; 14 mã cơ sở đóng gói/11 cơ sở.
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 146 trang trại (Giảm 01 trại so với cùng kỳ) đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn trên 7,8 triệu con, chiếm 69% tổng đàn; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 259 trang trại (Tăng 09 trại) với tổng đàn gần 697 ngàn con, chiếm 72% tổng đàn; chăn nuôi vịt thịt có 45 trang trại (Tăng 03 trại) với tổng đàn 539 ngàn con; chăn nuôi bò sữa có 01 trang trại với tổng đàn 458 con.
Theo số liệu điều tra kỳ 1/4/2023 của Cục Thống kê: Tổng đàn heo 702.025 con (Tăng 1,98%); tổng đàn gia cầm trên 13,8 triệu con (Tăng 8,8%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã cung cấp cho thị trường 9.799 con trâu-bò, tương đương 783,8 tấn (đạt 99% so với cùng kỳ); 1.507.417 con heo, tương đương 113.054,6 tấn (tăng 0,3% so với cùng kỳ); 13.754.617 con gia cầm lông, tương đương 29.572,3 tấn (tăng 0,2% so với cùng kỳ) và 6.908 con dê, tương đương 87,1 tấn (tăng 83,2% so với cùng kỳ).
Công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo ngăn chặn giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh, sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong tháng không có dịch bệnh xảy ra. Tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với Cúm gia cầm, Niu - cat - xơn, Lở mồm long móng gia súc, Dịch tả heo và Dại trên chó, mèo. Thực hiện giám sát các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2023: Không xảy ra trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, ngày 24/4/2023 xảy ra tình trạng cá chết bất thường tại hộ nuôi thủy sản thuộc ấp 4, xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên (Khoảng 05 tấn với các loại như: cá Hô, cá Chép Koi, cá Thác Lác, cá Chạch Lấu…). Nguyên nhân là do cá đã có mầm bệnh ủ bên trong; chất lượng môi trường nước cấp lấy vào chưa đảm bảo làm cho thủy sản nuôi bị sốc và xảy ra tình trạng chết bất thường.
Tiếp tục thực hiện công tác theo dõi diễn biến rừng và sử dụng đất lâm nghiệp. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra trên toàn bộ diện tích rừng tại các khu vực trọng điểm, nhắc nhở khách tham quan du lịch, các hộ sống xâm canh trong và ven rừng, những hộ buôn bán xung quanh chùa Thái Sơn (rừng phòng hộ Núi Cậu) có ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời các đối tượng chặt phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác tài nguyên rừng.
Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2023. Triển khai công tác PCCCR mùa khô năm 2023 và đôn đốc các chủ rừng lập phương án PCCCR. Tiếp tục cập nhật, theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên Website của Cục Kiểm lâm.
Thời tiết nắng nóng vào mùa khô đã xảy ra 02 vụ cháy khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng: (1) Tại Khoảnh 9 Tiểu khu 16 (Vào ngày 03/01/2023), diện tích đám cháy 2.240 m2 chủ yếu là le, trúc đá, cỏ tranh, cỏ mỹ, một số cây bụi và dây leo. (2) Vào ngày 10/02/2023 tại Khoảnh 5 Tiểu khu 15 (Khu vực giao khoán cho Công ty TNHH Bích Hương) diện tích đám cháy 1,166 ha chủ yếu là cây bụi dưới tán rừng.
Tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên Bệnh viện 1.500 giường với sự tham dự khoảng 1.000 người và trồng cây phân tán năm 2023 với số lượng 12.000 cây (tương đương 28,85 ha).
Theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, mực nước các hồ chứa Quốc gia và của tỉnh. Tổ chức trực ban, thông báo diễn biến, biện pháp phòng tránh, ứng phó triều cường, xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn; tình hình xả tràn hồ Dầu Tiếng gửi đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo dõi tình hình điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn trong mùa khô và tình hình sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng diện tích được tưới bằng công trình thủy lợi vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 là 3.044,89ha, đạt 99,19% so kế hoạch; vụ Hè Thu là 2.417,23 ha, đạt 90,40% so với kế hoạch.
Tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 kết hợp Sơ kết 03 năm thực hiện Phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” trên địa bàn tỉnh; kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai” năm 2023 (15/5 - 22/5).
Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa kịp thời các hư hỏng; kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang công trình; vận hành công trình theo đúng quy trình, quy phạm đảm bảo an toàn và cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các đoạn đê bao, bờ bao bị tràn, bị bể, đảm bảo chống ngập úng trong các đợt triều cường. Phối hợp với các địa phương kiểm tra công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ năm 2023.
Tiếp tục tuyên truyền vận động lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ dân. Trong tháng, đã lắp đặt đồng hồ nước tăng thêm 1.431 hộ, tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100% (tương đương 102.281). Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia là 96,5% (tương đương 98.698/102.281 hộ).
Tình hình thiệt hại: Tình hình thiệt hại: Mưa dông xuất hiện đã gây ra nhiều thiệt hại: 03 người chết; 01 người bị thương; Tốc mái 40 căn nhà, 08 công trình phụ; mất điện nhiều tuyến đường dây, đứt dây hạ thế và gãy trụ 10 trạm biến áp; ngã đổ nhiều cây xanh… Ước thiệt hại về tài sản từ đầu năm đến nay khoảng 1.536 triệu đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCTT - TKCN các xã, phường, đơn vị điện lực, lực lượng xung kích địa phương huy động lực lượng dọn dẹp hiện trường, cây xanh ngã đổ, sữa chữa khắc sự cố điện; hỗ trợ người dân dọn dẹp, khắc phục sửa chữa nhà bị hư hỏng và rà soát, xác minh đánh giá thiệt hại, thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Chương trình xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh, phát triển nông thôn bền vững. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với lộ trình phát triển đô thị; có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững. Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời giữ vững, củng cố các tiêu chí trên địa bàn các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức, nội dung và kinh phí thực hiện sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2023 (Kế hoạch số 1079/KH-SNN ngày 15/5/2023). Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn chỉnh báo cáo sơ kết và đề nghị khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025. Hoàn chỉnh báo cáo tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để phục vụ đoàn kiểm toán.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương (Quyết định số 1089/QĐ-UBND ngày 12/5/2023) đợt 02/2022, trong đó có 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao; 39 sản phẩm đạt 3 sao. Lũy kế đến nay đã công nhận 88 sản phẩm OCOP (Trong đó 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao; 78 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao).
Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên: Hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện cập nhật thông tin lên Sàn Thương mại điện tử; xây dựng, cung cấp thông tin kết nối các sự kiện Xúc tiến thương mại; thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình đế tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Bình Dương nói chung, Làng thông minh Bạch Đằng nói riêng; triển khai thu tiền sử dụng nước sạch qua ngân hàng.
Phát triển kinh tế hợp tác: Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Toàn tỉnh hiện có 78 Hợp tác xã nông nghiệp với 1.087 xã viên, tổng vốn điều lệ trên 228 tỷ đồng. Số Tổ hợp tác nông nghiệp là 176 với 1.489 thành viên. Tổng số trang trại là 974 với tổng diện tích đất sản xuất trên 3.866,4 ha với khoảng 4.495 lao động thường xuyên
Tiếp tục phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia góp ý Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Phương án phát triển các ngành - sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (3) Phương án phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai trong quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (4) Phương án sử dụng đất cấp tỉnh.
Ngoài ra, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Hiệp Hội Rau, củ quả Việt Nam và Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn II tổ chức Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương" với sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp, trang trại, HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và cán bộ công chức trong ngành.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt một số nhiệm vụ để làm cơ sở triển khai thực hiện: (1) Quy định tiêu chí đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 08/3/2023); (2) Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Quyết định số 722/QĐ-UBND ngày 30/3/2023). (3) Phê duyệt Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2030 (Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày 12/5/2023); (4) Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Kế hoạch số 2204/KH-UBND ngày 12/5/2023); (5) Kế hoạch tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch số 1079/KH-SNN ngày 15/5/2023); (6)Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP tỉnh Bình Dương (Quyết định số 1089/QĐ-UBND ngày 12/5/2023); (7) Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Kế hoạch số 1187/KH-SNN ngày 16/5/2023); (8) Kế hoạch thực hiện triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030” theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023 (Kế hoạch số 2364/KH-UBND ngày 22/5/2023)…..
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Ngành, trong 6 tháng cuối năm 2023, toàn ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trong đó sẽ tập trung hoàn chỉnh một số nội dung đã đăng ký thông qua UBND tỉnh và Hội đồng nhân dân trong kỳ họp cuối năm 2023: (1) Chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Dương; (2) Nghị quyết quy định nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cô đê điều do địa phương quản lý trên địa bản tỉnh Bình Dương; (3) Quyết định ban hành quy định Định mức kinh tế-Kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình Thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật thoát nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương; (4) Quyết định ban hành giá nước sạch sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2024 - 2025.
Lê Huỳnh Như – Phòng Kế hoạch Tài chính