Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh vừa tổ chức khóa huấn luyện nông dân (FFS) về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây rau ăn quả tại xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) và cây có múi ở xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên).
Khóa huấn luyện FFS do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức tại một vườn bưởi ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên
Trang bị kiến thức hệ sinh thái nông nghiệp
Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh vừa phối hợp UBND xã Hiếu Liêm (huyện Bắc Tân Uyên) và xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) tổ chức khóa huấn luyện FFS về IPM và IPHM trên cây có múi và cây khổ qua nhằm triển khai chương trình ứng dụng IPM và IPHM trên các cây trồng chủ lực tỉnh Bình Dương năm 2023.
Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, khóa huấn luyện được tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết, trình độ, kỹ năng, thay đổi nhận thức cho người nông dân về quản lýdịch hại tổng hợp. Qua đó, thay đổi thói quen sử dụng thuốc BVTV không đúng cách của người dân, giảm đáng kể số lần phun thuốc BVTV, bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, nhất là bảo vệ được sự căn bằng thiên địch trên đồng ruộng, giúp nâng cao sức khỏe cây trồng. Đây cũng là nguyên tắc để hướng đến nền nông nghiệp sạch, áp dụng đúng các nguyên tắc sẽ có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững trong thời gian tới. Tại khóa tập huấn, các học viên sẽ được hướng dẫn lý thuyết kết hợp thực hành và làm bài kiểm tra.
Khóa huấn luyện đối với cây ăn trái có múi (cây bưởi) được tổ chức 17 tuần, từ tháng 6-2023 đến tháng 10-2023, vào thứ tư hàng tuần, tại ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Đối với cây rau ăn quả (cây khổ qua), khóa huấn luyện được tổ chức 13 tuần, từ tháng 7-2023 đến tháng 10-2023, vào thứ ba hàng tuần, tại ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng. Tham gia mỗi khóa có 30 học viên là những nông dân canh tác các loại cây trồng và có đam mê học hỏi ứng dụng tiến bộ khoa học vào thực tế sản xuất nông nghiệp. Các học viên sẽ được trang bị kiến thức về hệ sinh thái nông nghiệp, các đối tượng sinh vật hại trên cây rau và biện pháp phòng trừ hiệu quả, giảm chi phí, tăng thu nhập.
Về phương pháp huấn luyện, vào đầu buổi học, giảng viên cùng 3 tổ tiến hành điều tra hệ sinh thái trên đồng, thu thập mẫu sâu, bệnh hại, thiên địch trên ruộng thực hành của lớp. Sau đó, về lớp ghi nhận số liệu, thảo luận và vẽ hệ sinh thái ruộng thực nghiệm gồm các chỉ tiêu sinh trưởng, đối tượng sâu hại, bệnh hại, thiên địch. Cuối cùng, học viên đề xuất biện pháp chăm sóc, quản lý dịch hại trên vườn nhằm đem lại hiệu quả kinh tế dưới hình thức thảo luận nhóm. Ngoài ra, mỗi tuần giáo viên bổ sung thêm kiến thức cho học viên lớp học thông qua các chuyên đề chuyên môn như IPHM, các nguyên tắc IPHM; sức khỏe đất, dinh dưỡng cây trồng và nâng cao độ phì đất; biện pháp quản lý dịch hại chính trên cây rau và cây có múi; liên kết sản xuất, mã số vùng trồng trên cây có múi; hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả…
Song song đó, lồng ghép trong các nội dung học tập là các hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi có ý nghĩa giúp cho học viên có kỹ năng phân tích, tìm tòi, tháo gỡ trước những khó khăn và kỹ năng hướng dẫn, tuyên truyền; đồng thời rèn luyện phương pháp truyền đạt, phương pháp tổ chức, hoạt động nhóm, vai trò nhóm trưởng và các thành viên trong nhóm…
Góp phần thay đổi tập quán canh tác
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, nhìn chung, qua 2 khóa huấn luyện trên đã nâng cao trình độ nhận thức và thay đổi tập quán canh tác truyền thống, giảm mối nguy hại hóa chất (dư lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học) sử dụng trong nông nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm trên sản phẩm nông sản. Cụ thể, đối với cây khổ qua tại ruộng áp dụng IPM, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu rầy, giảm sử dụng thuốc 2-3 lần/vụ, giảm chi phí phun thuốc, cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, giảm ô nhiễm môi trường, sản phẩm an toàn, năng suất cao hơn ruộng nông dân khoảng 200kg/1.000m2. Đối với cây bưởi tại vườn áp dụng IPM, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, giảm sử dụng thuốc BVTV 6-8 lần/vụ, giảm phân hóa học, tăng cường phân hữu cơ ủ hoai mục.
“Đây là bước đầu áp dụng IPM và IPHM vào thực tế ngoài đồng ruộng (vườn) kết hợp với khóa huấn luyện FFS về IPM, IPHM đã chứng minh cho nông dân thấy rõ thực tế phun thuốc BVTV chỉ là giải pháp tức thời khi có sâu bệnh tăng đột ngột. Việc canh tác nông nghiệp lâu dài trên đồng ruộng phải áp dụng đồng loạt, tổng hợp các biện pháp về canh tác, sinh học, hóa học để hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững”, bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết.
Kết quả kiểm tra cuối khóa, có 60-70% học viên đạt loại giỏi; 30-40% học viên đạt loại khá, trung bình; 60/60 học viên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn. Học viên học tập tích cực, nhiệt tình tham gia thảo luận, tựtin, có tinh thần xây dựng và chịu khó học hỏi, tiếp thu tốt nội dung bài giảng. Lớp tập huấn giúp cho các học viên áp dụng các kiến thức, kinh nghiệm đã được trang bị vào thực tế sản xuất cũng như truyền đạt cho các nhà vườn xung quanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái.
"FFS là phương pháp khuyến nông theo nhóm với nguyên tắc lấy người học làm trung tâm. Đây chính là sự giao tiếp hai chiều, giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ để học viên trao đổi kinh nghiệm, bổ sung thêm những kiến thức, tiến bộ kỹ thuật mới. Khóa học chính là nơi trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chuyên sâu ngay tại nơi mà nông dân thực hiện chăn nuôi hoặc trồng trọt."
PHƯƠNG ANH - NGUYỄN TUYẾN
Nguồn "Báo Bình Dương Online"