image banner
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, định hướng phát triển chăn nuôi bền vững và hướng đến xuất khẩu
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 271
Tiềm năng và lợi thế để sản xuất, xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật tại tỉnh Bình Dương Bình Dương nằm trong vùng chăn nuôi trọng điểm phía nam, có nguồn nguyên liệu động vật, sản phẩm động vật dồi dào; cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các cảng biển gần nhất khoảng 30 km nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển để xuất khẩu.

Bình Dương nằm trong vùng chăn nuôi trọng điểm phía nam, có nguồn nguyên liệu động vật, sản phẩm động vật dồi dào; cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các cảng biển gần nhất khoảng 30 km nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển để xuất khẩu.

Hệ thống giao thông đường bộ khá hoàn chỉnh, nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Có tuyến Quốc lộ 13, tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn là con đường chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế, xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, chạy suốt chiều dài của tỉnh từ phía Nam lên phía Bắc, qua tỉnh Bình Phước. Hiện nay tỉnh đang phát triển các tuyến, trục đường để kết nối các địa phương trong tỉnh và kết nối vùng, khu vực để phục vụ phát triển kinh tế.

Điều kiện về kinh tế xã hội. Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2,6 nghìn km2 với 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 91 đơn vị hành chính cấp xã; dân số trung bình là 2,5 triệu người. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 13 nghìn hecta; trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm động vật.

Mặc dù là một trong những tỉnh tập trung phát triển công nghiệp nhưng trong những năm gần đây ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương vẫn được duy trì phát triển ổn định; cơ cấu ngành chăn nuôi đã được chuyển đổi mạnh mẽ từ chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch. Với mục đích là đáp ứng các yêu cầu nhằm bảo vệ sức khỏe động vật, sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái.

Hệ thống trại chăn nuôi heo an toàn dịch Vĩnh Tân

Đến nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 974 nghìn con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 60%; tổng đàn gia cầm có khoảng 13,6 triệu con, trong đó chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 70%. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, tổng đàn heo tăng trung bình khoảng 9% / năm; tổng đàn gia cầm tăng trung bình khoảng 7% / năm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; không xảy ra bệnh dại trên động vật.

Về khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường: trong 06 tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi tỉnh đã cung ứng ra thị trường trên  900 nghìn con heo thịt và trên 8,1 triệu con gà thịt, thực hiện kiểm soát giết mổ tại địa phương trên 361 nghìn con heo và trên 5,8 triệu con gia cầm.

Trại chăn nuôi heo theo hình thức trại lạnh, kính, an toàn sinh học

Có thể nói, ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ thịt động vật, sản phẩm động vật cho thị trường trong tỉnh; cung ứng một phần cho thị trường tiêu thụ khu vực Đông nam bộ và có khả năng hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y, với quan điểm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa gắn với công nghiệp chế biến và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 25/11/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm động vật, đảm bảo khả năng cung ứng tiêu dùng trong ngoài tỉnh và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Cơ sở chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao

HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 về việc Quy định chích sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định.

Đồng thời, hệ thống Thú y được ổn định, duy trì từ cấp tỉnh đến cấp huyện, đến cấp cơ sở tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương. UBND tỉnh duy trì chính sách tiêm phòng miễn phí vắc xin Cúm gia cầm, vắc xin Lở mồm long móng, Dịch tả trên heo và hóa chất tiêu độc khử trùng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ. Chấp thuận chủ trương cho tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh trong điều kiện chưa có quyết định công bố dịch bằng nguồn ngân sách địa phương.

Kết quả xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tính đến nay tỉnh Bình Dương đã được Cục Thú y công nhận tổng cộng 13 vùng an toàn dịch bệnh động vật tại các địa phương được quy hoạch chăn nuôi tập trung như: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Trong đó gồm 5 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc, 4 vùng an toàn dịch bệnh động vật trên chó nuôi.

Hiện có tổng cộng 173 cơ sở chăn nuôi được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Trong đó có 52 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc (chiếm tỷ lệ khoảng 20% trang trại chăn nuôi công nghệ cao), 121 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm (chiếm tỷ lệ khoảng 63% trang trại chăn nuôi công nghệ cao).

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh một cách bền vững và có thể xuất khẩu nhằm nâng giá trị sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, việc làm cần thiết là kiến nghị  Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành Dự án “Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới”, trong đó nêu rõ các tỉnh, thành phố thuộc Dự án và nội dung kinh phí dự án theo phân cấp giữa trung ương và địa phương, để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương bố trí kinh phí xây dựng, duy trì các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch và liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng phát triển tất yếu. Để thực hiện hiệu quả rất cần sự quan tâm, tổ chức thực hiện các cơ quan, tổ chức có liên quan và đặt biệt là sử hưởng ứng, hỗ trợ của người chăn nuôi; các tập đoàn, công ty chăn nuôi trong và ngoài tỉnh./.

Người viết: Nguyễn Thanh Bình - Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản


Đánh giá - Nhận xét

5
1 Nhận xét
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN BÌNH DƯƠNG
image banner